Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

[Review] Lolita - Vladimir Nabokov


Gần đêm viết một Entry vẩn vơ, cũng chưa được gọi tử tế là Review nhưng cũng coi là chút chữ nghĩa còn lại trong đầu khi đọc xong quyển sách. Review sẽ đến vào một ngày không xa /nghĩa là còn xa/


LOLITA - Vladimir Nabokov


Kì thực biết đến Lolita là nhờ một bài tản văn trên báo “An ninh thế giới cuối tháng” số lâu rồi không nhớ, tôi đã rất ấn tượng với từng câu từng chữ tác giả bài báo viết ra. “Lolita” đến với tôi là những mơ hồ về nội dung, là những tầng lớp nghĩa cắt kéo chỉ nêu rất ít qua một số báo không thuộc phạm trù văn nghệ. Nhưng cũng đủ để tôi ấn tượng và rồi ghi nhớ trong đầu. Giữa tháng 7 đi mua sách với bạn, gặp “Lolita”, thế là mua. Và đọc.

Bây giờ ngồi thở.

Lolita, phải nói rằng đọc cuốn này lấy đi của tôi quá nhiều thời gian và công sức. Nếu như các truyện khác tôi mất từ 1 đêm đến 2 ngày để đọc, thì “Lolita” phải đến gần tháng. Truyện có 69 chương, 2 phần. Mỗi ngày chỉ dám đọc khoảng 2-3 chương. Đọc “Lolita” đòi hỏi não bộ của tôi phải hoạt động rất nhiều. Nó cần phải cắt nghĩa, phải hình dung, phải lần mò hiểu rõ từng chi tiết. Bản thân “Lolita” là một thử thách không nhỏ, vì chính sự trúc trắc trong câu từ và nổi loạn về nội dung khiến tôi không thể đọc một cách qua loa. “Lolita” không phải là một tác phẩm để giải trí và dành cho những ai không chấp nhận được tính “điên loạn” của nó.


LOLITA


"Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng. Lo. Li. Ta.
Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita."


Câu truyện chỉ là tình yêu điên cuồng có phần bệnh hoạn của Humbert dành cho cô con gái riêng của vợ - Dolores.  Nếu như chỉ xét đến vấn đề đạo đức thì hoàn toàn có thể bắt gặp một  “Humbert” ở đâu đó xung quanh ta, nhưng Dolores – “Lolita” lần đầu tiên gặp cha dượng – Humbert đáng kính là lúc cô bé mới có 11 tuổi. Và Humbert Humbert – ngài giáo sư sang trọng lịch thiệp chỉ có thể yêu những “tiểu nữ thần” – những bé gái chưa hoặc đã dậy thì. “Lolita” diễn biến giống như lời kể của “Humbert Humbert” với công tố viên, với mọi người đã phỉ nhổ ông ta, với chính ông hay chính là lời kể đầy dữ dội của Vladimir Nabokov với thế giới về giá trị đạo đức và ranh giới tình yêu của con người. Bản thân “Lolita” đã gây nên sự tranh cãi lớn trên văn đàn thế giới bởi chính nội dung và tư tưởng của nó. “Lolita” đối với một số người đọc, nó giống như truyện khiêu dâm và bẩn thỉu nặng nề, nhưng một bộ phận khác lại nhìn thấy lớp nghĩa khác của nó.

Bản thân tôi khi tiếp cận với Lolita, tôi có cảm giác như mình đang “say”. Khi các bạn đọc những dòng đầu tiên của Chương 1 phần I, các bạn sẽ thấy góc nhìn và kể của nhân vật “Humbert” đảo chiều giống một kẻ say rượu, kể lại tất thảy bằng một giọng lè nhè, nhưng lại rất tỉnh đời và đầy cuồng nhiệt.


“Có ai trước em không nhỉ? Quả thật là đã có. Trên thực tế, có thể sẽ chẳng bao giờ có một Lolita nào hết nếu vào một mùa hè nào đó, tôi đã không yêu một bé gái đầu tiên. Ở một công quốc bên bờ biển. Ờ, khi nào nhỉ? Khoảng ngần ấy năm trước khi Lolita ra đời, bằng số tuổi của tôi vào mùa hè ấy. Một tên sát nhân bao giờ cúng sẵn văn phong cầu kì, quý vị có thể tin thế,

Thưa quý ông quý bà bồi thẩm, tang vật số một là cái mà những thiên thần thươgnj đẳng, những thiên thần ngây ngô, chất phác với đôi cánh cao quý thèm muốn. Xin hãy nhìn mớ gai chằng chịt này...” /Trích Chương 1 phần I trang 16/


Humbert, gã có thể coi là tên bệnh hoạn. Nhưng ở mặt nào đó, ông ta là một người yêu chân thành và nồng nhiệt. Humbert Humbert yêu “Lolita” của những ngày tháng thiếu nữ với bầu ngực mới nhú của tuổi dậy thì, của làn da non nớt mềm mại lông tơ, của tiếng nói lanh lảnh và cá tính “cong cớn” nghịch ngợm những tiếng lóng của bọn nữ sinh trường nội trú. Gã chỉ yêu em như thế, và đến khi Dolores lấy chồng sinh con, đối với gã, gã chỉ có thể yêu “Lolita” của những năm tháng ấy. Gã yêu “tiểu nữ thần”của gã chứ không phải một bà Richard F.Schiller.

Tình yêu của Humbert là loại tình yêu hết sức lạ lùng, đầy nhiệt thành nhưng chẳng thể lí giải nổi tại sao và vì gì. Khi đọc, lắp góc nhìn của bản thân vào nhân vật, ta sẽ thấy được có đến trăm ngàn ngã rẽ và những câu từ đan xen chồng chéo, tạo nên những góc ngữ pháp như những đường zigzag. Bạn phải đọc thật chậm rãi, phải thật kiên trì, phải tìm tòi và kéo những ý nghĩa ấy ra ngoài lớp kén. Nếu không, bạn sẽ chìm trong “cơn say” của nhân vật.

“Lolita” được kể như bản thú tội, bản hỏi cung chi tiết đến từng đường nét. Thậm chí yếu tố gợi dục gần như đi song hành với truyện, khiến cho “Loita” – theo một góc nào đó mang tính trần trụi và bệnh hoạn. Nhưng nếu xét kĩ càng và nhìn cho thật rõ, yếu tố tình dục chỉ là phần móng nâng đỡ cho nội dung truyện. Thậm chí khi tôi đọc được một nửa phần II, tôi phải thốt lên một câu: Humbert đã “ăn” Dolores rồi hay sao? Đó là điều tài tình của cuốn truyện. Các câu dẫn, câu kể hoàn toàn lắt léo, đan cài và lảo đảo. Nó như dẫn ta vào một mê cung, đòi hỏi ta phải suy xét từng chút một. Và tôi phải lật lại từng trang một để tìm cho bằng được đoạn văn nói đến vấn đề đó. Nó quá trúc trắc, quá chuếnh choáng và mịt mờ. Nhưng xét theo một góc độ nào đó, tính gợi dục trong “Lolita” mang yếu tố nghệ thuật nhiều hơn là xác thịt trần trụi thông thường. Nói thêm chút, đoạn sex thực sự nghệ thuật. Tôi xin bày tỏ thật lòng.

Hừm, có lẽ nhân vật Dolores xem ra ít đất diễn và ít được tôi đề cập. Nhưng “em” lại là nhân vật mấu chốt của truyện. Dolores, em là Lolita. Lolita là em. Dolores, em là nguồn cảm hứng, là tiểu nữ thần của Humbert, là ngọn lửa yêu đương của ông, là tất cả nguồn sáng và lẽ sống của Humbert. Dolores, gợi tình, tinh nghịch nhưng lại rất ranh mãnh. Em đến với Humbert giống như sự tò mò của thiếu nữ. Em là cô gái hư, là đứa trẻ lớn lên với sự kìm kẹp của người mẹ. Em là tội lỗi, là căn nguyên của con quỷ xấu xa trong Humbert.

“Lolita” câu truyện này khiến tôi phải đau đầu khi đọc, và nó làm tôi thấy mệt. Nhưng đây là câu truyện đáng để đọc. Mọi góc cắt của “Lolita” đều mang một dụng ý nhất định của tác giả. Nếu như chỉ xem xét dưới một góc, thì “Lolita” chỉ đáng để đọc như tác phẩm khiêu dâm đồi trụy. Nếu ta nhìn nó một cách tổng thể thì  “Lolita” là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại về hệ tư tưởng, về tài năng văn chương của tác giả, về những giá trị nó mang lại. Kì thực, đọc Lolita như một sự thử thách lớn. Và tôi bị ám ảnh bởi nó.


LOLITA. LOLITA. LOLITA.


Tác phẩm xuất sắc của thời đại.

1 nhận xét:

  1. Hay lắm bạn! Mình cũng đang ngạt thở với Lolita đây. :D

    Trả lờiXóa