Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

[Review] Đức Phật và nàng - Tiếng vọng tình yêu vượt thời gian

Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh – Không phụ Như Lai, không phụ Nàng

Hay là câu chuyện về “Đức Phật và Nàng”.

Lần đầu tiên đọc tựa đề, tôi tưởng như là tôi hay chúng ta đang nói về “Đức Phật” và “Nàng”. Hai vế, hai chủ thể đối lập tưởng chừng như chẳng bao giờ có thể đứng cùng một hệ quy chiếu. Trần thế và cửa Phật. Hiện thực và tôn giáo. Có và Không. Hư và Thực. Tôi đã nghĩ thế đấy, là hai tên gọi riêng của hai cá thể giữa trời đất này được đặt song hành trong một câu chuyện. Nhưng rốt cuộc để làm gì?
Tôi chợt nhận ra hình như “Nàng” được thốt ra quá đỗi âu yếm và yêu thương. Tôi nhớ đến bộ phim “Her”, cũng với cái cách gọi tên như thế. “Nàng”, ta đâu cần biết “Nàng” là ai, danh tính của “Nàng” là gì nhưng chỉ cần cất tiếng gọi, đưa tay ra là có thể chạm được đến “Nàng”.
Giờ tôi đã thấy thêm một khía cạnh khác của tựa đề, à, vốn dĩ tựa đề này đã được dịch giả đặt một cách hết sức tinh tế nhưng lại có sức cuốn hút mà theo tôi còn mãnh liệt hơn tên gốc. “Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh”, có lẽ là chén thánh của cả cuốn truyện, là lẽ sống là nguồn sinh sôi đâm chồi của lý tưởng mãnh liệt đáng giá hơn rất nhiều lần vị trí đặt trên đầu cuốn sách.
Thật kì lạ, tôi review trong lúc tôi đang khá xúc động và cảm xúc thì hỗn độn. Tôi nghe nhạc và rồi mới viết. Thật lạ rằng tôi không nghe bản nhạc Trung nào cả, cũng không phải là bản niệm “Om mani padme hum”. Tôi nghe “Just in love” của anh chàng Nick Jonas, thật ngược đời?
Nhưng tôi cần một sợi dây liên hệ và giao cảm, mà hình như chính lời bài hát này đã mang chút gì đó dáng dấp của một tình yêu như thế:
“I love a girl in a whole nother language People look at us strange Don't understand us. They try to change it I try to tell her don't change We talk loud and they say it sounds crazy. Love's even more wild when you're angry Don't understand why you wanna change it Girl listen to me! You're just running from the truth, But I'm scared of losing you. You are worth to much to lose Baby if you're still confused Girl I'm just in love with you…
Vợ yêu của ta, ta sợ phải mất nàng.
Rajiva đã sợ phải mất đi Ngải Tình đến thế.
Rajiva đã sợ mất nàng từ lâu, rất lâu rồi mà có lẽ cái ý niệm ấy chàng chẳng kịp nhận ra, cho đến khi chàng tự ngộ ra và thừa nhận rằng chàng yêu nàng.
Đời người, chỉ là một giấc mộng. Một lần chớp mắt, mộng tan.
Trong mấy mươi năm cuộc đời ấy, có được bao lần chờ đợi. Mười năm, rồi lại mười lăm… rồi lại đến khi vận đổi sao dời. Đến khi bể cạn nương dâu, đến khi cùng nắm tay bóng ngả Tây thiên cực lạc. Ấy vậy mà Rajiva vẫn đợi nàng, đợi người con gái, người chàng yêu từ năm này qua năm khác.
« Mười năm có là bao, chỉ cần chuyên tâm truyền bá đạo Phật, mười năm qua rất nhanh.”
Yêu xa khổ nhọc. Khoảng cách địa lý giờ đây cũng chỉ là một vài giờ xe chạy, vài giờ máy bay. Ấy vậy mà vẫn không thôi đau đớn, không thôi bồn chồn, không thôi quay quắt. Nhưng giữa họ đâu chỉ là khoảng cách địa lý vật chất. Giữa chàng và nàng còn là khoảng cách của thời gian, của 1650 năm lịch sử. Giữa chàng và người con gái chàng yêu còn là khoảng cách của đức tin tôn giáo, của ý niệm hoài thai cao cả đời người trong Phật học bao la.
Chừng ấy ngăn cách chẳng thể làm chàng ngừng yêu nàng, cũng như làm nàng ngừng tìm kiếm đường về với chàng.
Rajiva gặp Ngải Tình khi chàng mười ba tuổi. Hình ảnh của nàng đã ở lại trong tim chàng giản đơn, nhẹ nhàng đến thế. Có lẽ Rajiva khi ấy chưa thể định nghĩa hết được tình cảm dành cho Ngải Tình. Chàng còn quá thuần khiết, còn quá nhiều điều cao cả hơn là một cô gái người Hán dạy chàng tiếng Hán, thích lịch sử, thuần khiết và thông tuệ. Nhưng chàng đã thầm nhớ thương nàng từ khi ấy. Đã vẽ hình ảnh nàng từ trí nhớ bên nhau trong vài tháng ngắn ngủi nhiều đến thế. Đã luôn cất giữ hình bóng nàng, trân trọng và đáng thương đến vậy.
Rajiva gặp lại Ngải Tình khi chàng hai mươi ba. Nàng vẫn trẻ và đẹp như mười năm trước đây khi hai người hội ngộ. Cô gái ngốc nghếch, mảnh mai như ngọn gió thiện lương thổi qua đời chàng. Ngải Tình, chàng lại có thể được gặp lại người con gái ấy. Chàng chỉ có thể thốt lên « Cô đã về. »
Ngải Tình đã về.
Đơn giản như cách mà người ta tin rằng rồi người ấy sẽ về với ta. Đơn giản như cách Rajiva tin Ngải Tình chỉ đi đâu đây, nàng sẽ trở về, cùng chàng đứng dưới một bầu trời.
Rajiva gặp lại Ngải Tình lần nữa trong lúc chàng bị xỉ nhục và xúc phạm nặng nề nhất. Chàng là con người của đức tin, của giới Phật uy nghiêm. Chàng không muốn phá giới. Chàng đã mơ về nàng, nhưng đó lại chỉ như một ham muốn trong bí mộng. Chàng đã phá giới từ khi gặp nàng nhưng chàng không muốn tâm hướng Phật bị vấy bẩn. Chàng muốn truyền bá đạo Phật, chàng muốn làm như lời nàng nói mười một năm về trước, chàng phải thực hiện được.
“ Ghen tị với em trai, phạm phải giới luật đố kỵ, luôn mơ tưởng đến nàng, phạm phải giới luật tư dâm. Ở bên nàng lại khao khát được chạm vào nàng, phạm phải giới luật khát khao dục vọng. Ngải Tình, mười năm trước, mười năm qua, Rajiva đã luôn phá giới.”
Chàng rốt cuộc cũng chỉ là một thường nhân, cuối cùng cũng chỉ là một người đàn ông đang yêu. Chàng thực chất đã giác ngộ được tình yêu nhưng lại không giám thừa nhận. Tôi luôn nghĩ rằng tại sao phải xa rời tình yêu ? Nhân văn cuối cùng cũng là đề cao nhân ái ? Phải giác ngộ « ái tình » mới có thể thấu hiểu nhân gian, phải rạch ròi « ái tình » và « sắc dục » mới có thể thông tỏ đời người.
Phá giới. Tửu-sắc-dục, cái gì Rajiva cũng trải qua. Nhưng chàng vẫn thanh cao, vẫn thuần khiết, vẫn tỏa sáng như hoa sen giữa đất trời. Chàng không phủ nhận tâm một lòng hướng Phật, nhưng cũng không phụ tình nàng.
« Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh ».
Rajiva lại chờ đợi. Lần này là mười sáu năm. Đắng cay ngọt bùi, thoáng chốc cũng chỉ là một hơi thở dài, một cái chớp mắt giữa nhân gian.
Chàng đã cùng nàng trải qua những tháng ngày gian khó của cuộc đời.
« Vợ của ta, nàng đã về.”
Cái cách chàng yêu nàng, sao mà da diết, sao mà đẹp đến nhường ấy.
Nếu không có Rajiva, Ngải Tình cũng chỉ là một cô sinh viên lịch sử, sẽ vượt thời gian tìm hiểu tàn tích nhân loại và rồi trở về nghiên cứu, lấy chồng rồi sinh con. Nếu không có Ngải Tình, Rajiva cũng chỉ là đức tăng đáng kính thông tuệ nhưng cũng chẳng tỏ tường hết được cái tình nhân gian.
Nếu họ chẳng thấy nhau ắt chẳng phải đau lòng chừng ấy năm trời.
Nếu họ chẳng gặp nhau, ắt chẳng phải chia ly, ắt chẳng phải đớn đau đến vậy.
Nhưng họ gặp nhau, yêu nhau, chung sống là thật. Tâm nguyện hướng Phật cũng là thật. Vậy giữa đôi bờ chênh vênh, Rajiva phải buông ai, bỏ ai ?
Đức Phật và Nàng, Rajiva thực ra đã sớm có lựa chọn. Phật pháp là tâm nguyện cả đời chàng. Ngải Tình là người chàng yêu đến hết cuộc đời này. Chàng không muốn phụ ai. Chàng chỉ là một phàm nhân, chàng chỉ là một hạt cát giữa biển đời biến động. Nhưng chàng vĩ đại hơn ai hết, và vì mối lương duyên ngang trái hết mực ngọt ngào này mà tâm Phật trong chàng càng được khai mở hơn bao giờ hết. Họ yêu nhau như cách một đôi tình nhân yêu nhau. Họ thương nhau như cách một cặp vợ chồng bình thường thương nhau. Và họ sống vì nhau như cách người ta sống vì lý tưởng trên đời. Rajiva không sợ cường quyền, chàng không sợ điều gì vì trong chàng đã có Phật pháp sáng tỏ. Chàng chỉ sợ Ngải Tình bị tổn thương, sợ sẽ phải mất nàng.
Ngải Tình, sự xuất hiện của nàng là tất nhiên. Bánh răng lịch sự vẫn sẽ phải quay. Dòng sông vẫn cứ phải chảy dù có muôn vàn đá sỏi, muôn vàn ngăn cách. Nàng vừa là chứng nhân của lịch sử, vừa là người vận động trong dòng chảy của thời thế ấy. Duyên phận của nàng và Rajiva đâu chỉ là một từ « ngẫu nhiên » mà diễn tả. Nó là điều sẽ đến, là sự sắp đặt của số mệnh lịch sử. Và chính sự giác ngộ ấy mà họ đến với nhau như cách người đàn ông và phụ nữ yêu nhau đến với nhau. Giản dị mà vĩ đại xiết bao.
Tôi yêu cái cách Lương Xuân Di lồng ghép lịch sử và tôn giáo vào trong cuốn sách ngôn tình. Tôi thích cái cách cô vẽ lên trên từng trang sách khung cảnh choáng ngợp mênh mang tầm mắt của sa mạc đầy nắng và gió khi Rajiva và Ngải Tình gặp nhau. Tôi có thể nếm được vị cát, có thể cảm nhận được từng giọt nước mát lành nơi dòng sông hai người từng ngồi bên tâm sự. Tôi ngỡ như thấy trước mắt mình từng phiến gạch, tảng đá của ngôi chùa chàng ở. Tôi thấy được cả một vùng đát Khâu Từ sống động và đầy màu sắc, tưởng như vài ba bước chân là có thể với tới. Tôi hồ như có thể mường tượng được khuôn mặt chàng tĩnh tại, đẹp một cách vô thực ở ngay trước mặt mình. Khuôn mặt đổ bóng dịu dàng dưới ánh nến trong căn phòng ở Khâu Từ, khuôn mặt đau đớn của chàng khi chứng kiến cảnh địa ngục trần gian, khuôn mặt bình yên hạnh phúc của chàng khi ngắm nhìn người vợ mà chàng yêu. Tôi tưởng như có thể nhìn thấy được cả những sợi râu trên cằm chàng, thấy được sắc xám như rọi sâu được hồn người của chàng, thấy được cái dáng cao gầy như gánh vác cả nghìn cân gánh nặng trên vai.
Tôi dường như thấy được tất thảy qua mỗi lần chớp mắt.
Một cái chớp mắt, nụ cười của Ngải Tình và của chàng.
Lại một cái chớp mắt nữa, là nước mắt của chàng, là căn phòng đêm ân ái không chăn chiếu, không gối đệm, không gì cả. Là sự giao hòa đến tận cùng. Là tình yêu mênh mang giữa đất trời.
Thêm một lần chớp mắt, cuộc đời thăng trầm biến đổi. Chàng ngày ngày giảng kinh, dịch kinh Phật. Đêm đêm giấu nỗi nhớ nàng vào trong, chốc chốc lại vuốt ve tấm ảnh nàng, đem hình bóng nàng vào giấc mông.
Lại thêm một lần, một lần nữa chớp mắt. Hai người tay trong tay giữa phố phường.
Một cái chớp mắt cuối cùng. Là Rajiva và nàng an bình bên nhau.
Bể dâu cuộc đời, có xá gì mấy năm đợi chờ.
Tôi lại nhớ về bộ manga thần thánh tuối thơ, cũng xuyên không, cũng nữ nhi khuynh quốc, cũng là nhân vật lay chuyển bánh răng lịch sử. Nhưng “Nữ hoàng Ai Cập” gây xốn mắt ức chế bao nhiêu thì “Đức Phật và Nàng” lại uyển chuyển và duyên dáng bấy nhiêu.
Khi cảm xúc giống như một khối nước sôi sục xô đổ cả ngòi bút, tôi không muốn mà thật ra là không thể bàn luận thêm gì về cuốn truyện, vì theo tôi không một lời nào đủ diễn tả hết cảm xúc, hết cái dư vị của cuốn truyện này bằng việc chính bản thân mọi người phải đọc nó. Tôi chưa từng nghĩ mình lại ngộ được điều gì đó từ Phật giáo, chưa từng nghĩ mình sẽ chấp nhận một câu chuyện tình ngược đời này đến thế, cho đến khi đọc “Đức Phật và Nàng.”
Đừng để bản thân bị ảnh hưởng bởi những nhận xét xung quanh. Hãy tự mình đọc và giác ngộ.
Phật tại tâm. Tu tại gia. Có cũng là không. Bản thân vạn vật giữa đất trời cũng chỉ giống như ngàn hạt cát giữa sa mạc mênh mông.
Tại sao phải phủ nhận mình yêu nhau, khi Phật Tổ sớm đã tác hợp điều đó.
Đấy là tất nhiên. Không phải ngẫu nhiên.
Không phụ Như Lai, không phụ Nàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét