Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

[Truyện rất ngắn] Về nhà


Dạo trước mẹ tôi hay gọi điện giục giã tôi về. Đó là trong khoảng thời gian tôi chuẩn bị cho buổi thuyết trình trước công ty cho một loại sản phẩm mới. Khi đó, tôi cũng chỉ là một nhân viên quèn bỗng dưng có cơ hội khẳng định bản thân. Và cứ thế là lao đầu vào công việc. Con gái có thì, nhất là một đứa sống xa quê, nhà đi thuê trong ngõ mỗi lần mưa nước ngập lềnh phềnh cả rác rưởi, xác chuột bọ. Lương một tháng cũng chỉ đủ tiêu, rồi tiết kiệm cho vào tài khoản, dư ra gửi về cho gia đình. Muốn sống tốt hơn thì phải đổi đời, tức là phải biến đấu tranh.


“Mày dạo này không về, bố mày lo trên đấy có chuyện.”

“Dạ con không sao đâu mẹ, bố mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe. Xong công chuyện con về.”

“Hôm trước gà nhà mới đẻ được chục quả, tao gửi anh Huân lên cho mày có cái ăn. Về được nữa có bữa ngon con ạ, vụ này nhà mình được mùa”

“Thôi mẹ cứ giữ lại tẩm bổ, trên này có thiếu gì đâu.”

“Cha bố cô, lúc nào cũng nói không thiếu rồi gầy như con cá mắm. Chó nó lấy.”

“Bố đâu rồi mẹ?”

“Bố mày ra đồng rồi, liệu liệu mà về đi con.”

“Dạ...”


....



Cái gọi là xong chuyện rồi về của cô cuối cùng kéo dài lâu lắc, cứ lâu la từ tháng này qua tháng khác. Ai bảo chiến lược của cô đã được thông qua, công ty đang đưa vào sản xuất thử nghiệm và tiến hành Marketing, cô được giao phụ trách mảng Marketing. Sáng đi tối về bù đầu, nhưng não lại hưng phấn lạ thường. Nếu thành công tức là có tương lai, tức là sẽ được đề bạt, tức là có tiền. Có tiền là thoát cái chỗ trọ nghèo này, có đồ đẹp có thể trưng diện, có thể kiếm một mối kha khá. Về nhà nhìn cái khu trọ bẩn thỉu toàn những người dân ngoại tỉnh chen chúc, bỗng cô thấy có chút gì đó khó chịu. Hôm nay đi liên hoan ăn mừng, quần áo vẫn còn mùi nước hoa sót lại, cô lướt qua nhẹ nhàng như sợ bụi bẩn bảm gót giày mới.

.
.
.

Những câu chuyện của mẹ cô dạo gần đây càng lúc càng dài dòng, đôi khi khiến cô có chút bực bội. Cô không rảnh nhiều, vậy mà cứ phải tiếp chuyện đâu đâu thế này, mẹ cô đâu có hiểu. Đôi khi trên vầng trán cao lại có mấy nếp nhăn nhăn lại vì giọng bà nặng tiếng quê. Khi đấy cô vội lấy lý do đi làm mà cúp máy. Người già thường hay lẩm cẩm, có phải vì vậy mà mẹ cứ hay cằn nhằn mãi.


Nhìn đám nhân viên nữ xúng xính váy đầm đi làm, hay mỗi ngày lại khoe nhau kiểu đầu mới, chỗ làm móng hay bộ dưỡng da xịn, cô lại vờ như không biết, cắm cúi vào đốnh giấy tờ đã giải quyết xong hết từ đời nào. Rồi cô về nhà trọ soi gương, cáu kỉnh với mái tóc đen nhánh để thẳng để lộ cái trán cao mà bố cô hết mực tự hào. Hôm sau, cô ra hàng làm tóc rồi đi mua đầm tận cửa hàng Eva. Khi về trời đã về chiều, nắng ngả màu cam sậm ánh lên màu tóc nâu xoăn nhẹ của cô thật nhẹ nhàng. Trên đường, một vài thanh niên quay lại nhìn cô, cô thấy mình vui là lạ. Gấu váy bằng lụa mỏng đung đưa theo nhịp bước, quấn quanh đôi chân thon săn chắc đầy quyến rũ.

.
.
.


Đêm nằm ngủ, cô xức chút dầu thơm vào mái tóc mới, quấn lô rồi tự nhủ ngày mai ngày kia đi tìm chỗ trọ khác. Hôm nay cô vừa được lên chức xong.


Và rồi giấc ngủ đến, mang theo những giấc mộng chập chờn khi mờ khi tỏ.


Đó là năm cô học lớp hai.


Hồi đó, cứ mỗi buổi chiều khi tan học, cô đứng đợi bố ở cổng trường huyện. Nhà thì ở xa, nên mỗi lần đi học là bố đưa đi đón về. Chúng bạn đứa thì đi bộ, đưa thì có xe máy rước, đứa thì kéo đàn kéo lũ đi mua kem cái loại năm trăm đồng một chiếc, rồi chơi nhảy dây trong sân trường. Cô không có tiền mua quà vặt như chúng bạn, chỉ biết dựa người vào tường mà chờ bố đến. Hôm nay cô không vui vẻ như thường lệ mà ngồi xổm xuống, ôm lấy hai đầu gối mà sụt sịt. Tiếng xích xe đạp cọt kẹt từ xa vang lại, và tiếng phanh xe nghe két một cái rin rít, cô ngẩng đầu lên lao vào lòng bố. Áo bố vương mồ hôi có vị mằn mặn, lại có chút hương lúa mới cấy. Bố xoa đầu cô và hỏi:


“Sao vậy con”


Cô lắc đầu, vội trèo lên gác ba ga đằng sau xe, vòng tay ôm quanh thắt lưng ông và im lặng không nói. Đàn ông vốn vụng về không biết dỗ con, bố cô mua một chiếc kem mát lạnh còn bốc khói trắng, thơm vị dâu ngọt lịm. Rồi hai bố con cùng nhau về.


Tối hôm đó, bố nổi trận lôi đình vì cô cầm kéo cắt mái tóc đen nhánh, kéo kéo cho nó phủ phần trán cao dô ra. Bị đánh một trận, trẻ con đứa nào chẳng khóc. Khóc chán chê đến mức hai mắt sưng mọng, rồi lăn ra ngủ. Hôm sau mẹ đưa cô đi sửa lại mái tóc, lúc ấy bố mới nguôi giận, rồi bỏ ra đồng làm.


Khi đó cô nào có biết bố cô yêu mái tóc đen của cô con gái mình biết chừng nào. Mái tóc dân dã, mái tóc đầy nữ tính và mái tóc chưa hề cắt từ khi cô còn bé cho đến bây giờ.

.
.
.


Hè đến, cơ quan cho nhân viên đi du lịch Hạ Long ba ngày hai đêm, cô háo hức sắm sửa đồ bơi rồi váy đầm các kiểu. Hôm trước mẹ cô gọi điện lên cũng chỉ nói vài vấn đề, cô vâng vâng dạ dạ rồi cúp máy, đi ngủ sớm để hôm sau lên đường cho kịp giờ.


Và rồi chuyến xe lắc lư, đưa cô vào giấc ngủ chập chờn của năm cô mười lăm.

.
.
.

Khi ấy cô vừa đỗ vào trường chuyên của huyện, lại đúng lớp gồm toàn những học sinh ưu tú đạt điểm đầu vào cao nhất. Hôm đó, bố cô trằn trọc mãi, đêm nằm cứ trở mình liên tục, đôi chỗ lại thở dài.


Hôm sau, hôm sau nữa, hôm sau nữa nữa, ông làm việc nhiều gấp ba, gấp bốn lần. Gieo mạ, cuốc luống rau, đào lại ao cá, hái quả... Cô cứ hậm hực đi ra đi vào, rồi lại chạy sang nhà bà chơi với mấy đứa em họ. Lòng ấm ức thắc mắc sao bố chẳng để ý gì hết. Bỗng thấy tủi thân.


Cuối tuần, ông gọi cô dậy sớm chuẩn bị quần áo đẹp rồi các vật dụng cá nhân, ông đưa lên tỉnh chơi.


Chiếc xe lên tỉnh năm ấy cũng lắc lư, đi chậm chạp trên đường đầy đá sỏi. Cô gà gật, rồi dựa vào vai bổ mà ngủ ngon lành. Chẳng để ý sao vai bố nhọn thế, gầy thế, cũng chẳng để ý sao bố chỉ mang một bộ quần áo, vẫn chiếc dép cao su được đánh bóng sạch sẽ và chiếc mũ cối bạc màu từ những năm đi bộ đội. Ấy vậy mà giấc ngủ vẫn đến thật dễ dàng, trong tiếng người cười nói, trong nhịp lên xuống của chiếc xe, trong mùi mồ hôi đậm đậm từ áo bố và trên bờ vai đã gầy của ông.


.
.
.


Rồi lại một tháng nữa cô không về nhà.


Cô đã được đề bạt đến chức vị khá cao trong phòng, lương lậu cũng dần ổn định, lại khá cao. Cô đã không còn ở trong xóm trọ nghèo, ồn ào và ngập ngụa mỗi khi trời mưa nữa. Căn hộ cô mới thuê nằm ở một chung cư khá sang trọng, có phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ, WC và một phòng làm việc. Ban công khá rộng có chỗ trồng cây cảnh, sàn nhà lát gỗ êm ru. Cuối cùng cô cũng đã thực hiện được những điều khi xưa cô ao ước.


Mái tóc của cô dần chẳng còn màu đen như hồi nào, nó chuyển nâu, rồi hạt dẻ, rồi màu Boóc-đô rồi rêu... Xoăn rồi ngắn, rồi lại ép thẳng. Quần áo giờ hàng hiệu cũng không phải điều xa vời.


Đôi khi, chỉ là có đôi lúc lại luyến tiếc quá khứ. Đôi khi chạm nhẹ vào mái tóc mỗi khi đêm về, nhớ lại mái tóc năm xưa và lại thấy mùi mồ hôi đậm nồng của bố phảng phất đâu đây.

.
.
.

Năm cô đậu đại học, nhà mở cỗ to. Dù gì cũng là trường lớn trên thủ đô, họ hàng được mở mày mở mặt, ai tiếc mấy đồng làm mâm cơm tiếp đón. Hôm đó, bố đem đàn lợn đi bán, đưa mẹ cô lấy tiền làm cơm đãi mọi người, phần mình giữ lại chút ít chẳng biết để làm gì.


Mấy hôm sau, ông đưa cô đi mua áo mới trên huyện. Cô vui lắm, thử hết bộ này đến bộ khác rồi ríu rít kéo bố vào quán kem bên đường. Ông chỉ gọi một ly Lipton nhạt thếch, còn cô thì được một ly to có năm viên, bên trên rắc mấy viên lạc thơm giòn. Ông chỉ lặng nhìn cô ăn, rồi nói nhẹ “Ăn đi con, mình chút nữa đi mua đồ dùng.”


Hôm đó ông vẫn mặc chiếc áo xanh bộ đội cũ, chiếc dép cao su đã mòn vẹt, khuôn mặt gầy và đôi mắt khắc khổ bỗng ánh lên tia nhìn trìu mến, yêu thương.


.
.
.


Đúng hôm cô có buổi thuyết trình quan trọng thì trời mưa tầm tã. Mưa như trút, mưa nặng hạt vỗ mái ầm ấm. Mưa táp vào mặt bỏng rát, mưa tối tăm đất trời, phủ lên vạn vật màu xám nhòe nhòe lạnh toát. Đang lúc chuẩn bị thì mẹ cô gọi điện. Cô vội tắt đi, định bụng để họp xong rồi nghe. Một cuộc, rồi hai cuộc, ba rồi bốn... sốt ruột, cô nhấc máy nghe với chút cáu kỉnh.


Sấm nổ đùng trên bầu trời, mưa mỗi lúc một nặng hạt. Còn cô đứng đó như trời trồng, im lìm giữa biển người ồn ã lo toan những chiến lược, những tính toán mưu sinh.


“Bố mất rồi con ơi...”


Hôm đó cô bỏ về trước cuộc họp. Chẳng còn nhưng lo toan, chẳng còn chiến lược này phương án nọ, chẳng váy đầm mỗi cuộc dạo chơi, chẳng tóc tai phấn son và tạp chí bóng bẩy nhiều màu, cô bước đi trong màn mưa, băng băng về nhà. Mỗi bước lại là một bước nhảy quá khứ. Năm tốt nghiệp đại học, năm vừa lên Hà Nội nhập học, năm vừa tốt nghiệp cấp ba, năm tốt nghiệp cấp hai, năm lên lớp một và năm mới sinh ra.


Cô đi về những năm tháng ngày xưa, cô đi về với những ngây thơ, với những khờ dại và chân chất tâm hồn. Chẳng biết là khóc hay là vì mưa, mắt bỏng rát, son phấn trôi sạch chỉ còn lại mái tóc lộ màu đen phía chân, nâu nâu xuôi về ngọn.


Cô đi về nhà.



P.S: Type vội từ một giấc mơ, viết như có ma lực và rồi tự dưng nước mắt cứ thế chảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét