/Chút cảm
nghĩ sau cuối của một người-sắp-già:D/
Cuối cùng,
sau 7 năm theo dõi và chờ đợi, cuộc hành trình của tôi với “Eragon” đã kết
thúc. Đây là bộ truyện chữ có lẽ tôi theo lâu nhất, còn hơn cả “Harry Potter” vì
thúc thực tôi chỉ đọc HP đúng 2 tập cuối và thay vào đó là xem phim:) “Eragon”
– bộ truyện đã từng làm tôi “điên cuồng” một thời gian, cuối cùng cũng đã kết
thúc /thật ra là từ năm ngoái nhưng tháng 8.2012 VN mới xuất bản quyển II tập
4/. Gập lại cuốn truyện, tôi ngồi thở phào.
Thật nhẹ
nhõm.
Bảy năm, bắt
đầu bằng một bài viết trên báo “Hoa Học Trò”, và rồi năm lớp 7 mượn được hai
quyển tập I, đọc ngấu nghiến từng câu từng chữ trong đêm, để rồi gắn bó với nó
trong suốt 7 năm ròng rã về sau. Tôi chưa từng nghĩ mình lại có đủ sức lực để
chờ đến như thế, à ngoại trừ Conan hay Naruto=)), nhưng xét riêng với tư cách
là một cuốn sách để lại nhiều dấu ấn, “Eragon” quả đúng là một điều tôi sẽ
không bao giờ có thể quên được. Ít nhất là tại thời điểm này.
ERAGON – Cậu bé cưỡi
rồng – Đại Ca – Hỏa Kiếm – Di sản thừa kế
“Eragon” là
bộ truyện nói về cuộc phiêu lưu của anh chàng Eragon từ một chàng nông dân mười
sáu tuổi bình thường trở thành kị sĩ rồng, là niềm hi vọng cuối cùng để lật đổ
tên bạo chúa Galbatorix. Cuộc hành trình ấy của Eragon là những chuyến đi, những
chặng đường học hỏi tìm tòi, nâng cao và rèn luyện kéo. Bắt đầu từ chính ngôi
làng Cavarhall ở thung lũng Palanca – nơi cậu lớn lên, đến những tháng ngày đường
trường dọc đất nước Alagaesia, tới Farthen Dur – xứ sở của người lùn, nơi trú
ngụ của quân Varden chống lại triều đình, đến tận vùng đất thần tiên xa xôi Du
Weldenvarden và chặng cuối là tại chính sứ sở của các kị sỹ - di tích hoang phế
Vroengard, “Eragon” là một quãng đường phát triển dài và sâu về nội dung và tầm
vóc tri thức, tư tưởng. Quãng đường học hỏi đó của chàng thanh niên Eragon
không bao giờ dừng lại, nó chỉ là một chặng nghỉ cuối trong “Di sản thừa kế” và
tôi biết rằng điều này còn kéo dài, kéo dài mãi, khi nào cậu ta còn sống và
gánh nặng vị thế và trách nhiệm vẫn còn.
“Eragon” mở
ra trước mắt chúng ta trước hết là khung cảnh vĩ đại và hoành tráng mà tác giả
xây dựng lên. Bằng trí tưởng tưởng dường như không có giới hạn, Chritopher
Paolini đã viết lên những trang sách đậm tính anh hùng ca, mang hơi hướm của sử
thi Iliad và Odyssey, tô vẽ lên những trận chiến hào hùng, những giống loài mạnh
mẽ vượt bậc và nhấn đậm thêm chất “con người” cho những nhân vật anh tạo ra. Ở đây, trong khuôn khổ hạn hẹp
của một bài Review ngắn, tôi chỉ đề cập đến một số phần thay vì toàn bộ, bởi vì
cả một bộ tám quyển đối với tôi quả thật quá sức và tôi chỉ nhớ rất sơ qua 2 tập
đầu. “Eragon” ở một khía cạnh nào đó, có thể nói rằng trí tưởng tượng và ngôn
ngữ làm nên tất cả. Trí tưởng tượng để xây dựng câu chuyện và ngôn ngữ để truyền
tải nó trở thành thiên anh hùng ca đúng nghĩa.
Trong suốt
diễn biến của cả bốn tập, tập I “Cậu bé cưỡi rồng” là tập để lại ấn tượng sâu đậm
nhất. Đây là một tác phẩm có tính đột phá, không chỉ vì nó đồ sộ và hoành tráng
mà vì bản thân tác giả khi ấy mới chỉ có 15 tuổi. Anh tâm sự để viết nên tập một,
anh đã phải lục tung tất cả các sách trong nhà và thư viện về ngôn ngữ Đức,
ngôn ngữ cổ và các loại sách khác, chỉ để sáng tạo nên đế quốc “Alagaesia” và cơ
sở pháp thuật cũng như nguồn gốc các loài trong cuốn sách. Cũng là một điều
trùng hợp, khi C.Paolini đi giới thiệu sách một năm sau khi anh viết truyện,
nhân vật “Eragon” cũng vừa mười sáu tuổi. Cá nhân tôi nghĩ C.Paolini đã mang một
chút gì đó cá nhân anh vào chính nhân vật. Eragon khi trở thành kỵ sĩ rồng mới
mười sáu tuổi, tài năng nhưng non nớt và hiếu thắng. Càng về sau, trên cuộc
hành trình chỉ được phép tiến lên phía trước và không cho phép hối hận, Eragon
càng lúc càng trưởng thành. Cậu biết tiết chế, biết kiểm soát cảm xúc, biết suy
xét sâu xa hơn, tài giỏi hơn và càng ngày càng trở nên vĩ đại hơn. Cậu chàng
Eragon nông dân quê mùa ngày nào đã trở thành niềm hi vọng của hàng ngàn người
và giống loài, mang trên người danh hiệu Kỵ sĩ rồng danh tiếng, lập được nhiều
chiến công hiển hách và được vinh danh cho đến ngàn năm sau. Chính sự trưởng
thành của nhân vật “Eragon” biểu trưng cho sự trưởng thành của bút pháp
C.Paolini. Tập I, anh viết non và khá dông dài, thiếu sự tiết chế. Đến những tập
về sau, đặc biệt là tập cuối, ngòi bút của anh tiến bộ rõ rệt. Nó đanh, gọn và
giảm bớt những điều dài dòng, thay vào đó là một ngôn ngữ mới được gọt dũa rất
sắc bén. Nội dung của truyện cũng được phát triển theo hướng trưởng thành hơn rất
nhiều. Điều này có thể thấy rõ qua sự lớn lên của nhân vật và chính tác giả. Nếu
như tập I, II chỉ là những trận chiến, cuộc hàng trình viễn du thì tập III và
IV đã có sự góp mặt của chính trị, đặc biệt là quyển II tập IV. Tư tưởng của
truyện cũng được phát triển rộng và sâu hơn, không chỉ đơn thuần là lật đổ ách
thống trị của Galbatorix nữa mà nó còn là sự lo toan cũng những con người trẻ về
thế hệ mai sau, về trọng trách chúng mang trên vai, về những sự hi sinh cho
tình yêu để đổi lấy yên bình cho cả vương quốc. “Eragon” không đơn giản là cuộc
chiến đấu chống kẻ xấu thông thường, nó là cuộc chiến đấu của chính mỗi con người
trong tư tưởng để tìm ra “Tên thật” – bản chất thật của mình và chiến thắng nỗi
sợ hãi của bản thân. Các nhân vật trong truyện chỉ khi tự tìm được tên thật cho
mình, khi ấy họ mới phá bỏ được những rào cản tâm lý, vượt lên chính mình và có
tiến lên chiến thắng kẻ thù.
Điểm tôi
thích nhất trong tập cuối của “Eragon” đó lại chính là tư tưởng của Galbatorix.
Galbatorix, kẻ giết rồng, gã phản bội, bạo chúa cai trị bằng luật lệ hà khắc,
người tưởng chừng như không có điểm yếu. Ông ta là một nhân vật điển hình cho
tuýp người lãnh đạo bằng luật lệ và đòn roi, giống như lý luận “bạo chúa tốt
hơn hôn quân”. Ông ta là một kỵ sĩ rồng, Galbatorix đã cùng 13 phản đồ nổi dậy
tiêu diệt tất cả các kỵ sĩ rồng khác, lật đổ ngai vàng, đưa đế quốc Algaesia đi
vào con đường đen tối. Nếu chỉ xét theo 1 phần nào đó, Galbatorix đúng là một
nhân vật phản diện điển hình, sinh ra để nhân vật chính tiêu diệt. Tôi đã nghĩ
thế, và đến quyển II tập IV, tất cả đều đi chệch theo một hướng khác.
Galbatorix đã nói với nhân vật Nasuada rằng ông ta muốn lập lên trật tự mới cho
vương quốc, sẽ không một pháp sư nào có thể dùng pháp thuật nếu không có sự đồng
ý của ông ta. Người dân sẽ không phải e sợ các pháp sư, kỵ sĩ sẽ không còn
hoành hành như thời hoàng kim nữa.
Nếu chỉ nghe
đến đó, nhất định sẽ có nhiều người xuôi theo ông ta.
Tư tưởng của
ông ta không sai. Bời vì chính Nasuada sau khi lên ngôi nữ hoàng đã thực hiện
điều đó, có điều theo một cách khác. Galbatorix chỉ sai ở chỗ, ông ta đã dùng
pháp thuật để đàn áp pháp thuật, cổ ngữ đàn áp cổ ngữ và dùng sự hà khắc để đàn
áp luật lệ. Một quốc gia mà chính ông vua của mình còn không khống chế được cảm
xúc và thấu hiểu lòng dân, quốc gia đó sao có thể tồn tại. Và vì thế Galbatorix
vẫn phải chết. Có điều tôi vốn không hề ghét ông ta, tôi chỉ thấy tiếc cho ông.
Sự điên loạn và tàn bạo của Galbatorix chính là kết quả của chuỗi những ngày
tháng làm kỵ sĩ yên bình, chứng kiến nhiều điều phi lý và do sự đau buồn trước
cái chết của con rồng đồng hành với mình. Galbatorix, vốn là một nhân vật đáng
thương.
Như tôi đã
nói, cốt truyện của “Eragon” phát triển rất nhịp nhàng và càng về sau càng
thiên về yếu tố chính trị nhiều hơn. Đây chính là điểm yếu của nó. Cá nhân tôi
đánh giá hay nhất là tập “Đại Ca” và chán nhất là tập cuối “Di sản thừa kế”. Tập
II đã bớt non nớt, kể về chuyến đi đến xứ sở thần tiên cho quá trình học tập của
Eragon, nói về tình yêu mới chớm nở của cậu với Arya-cô gái thần tiên mà cậu cứu,
là về hành trình giải cứu dân làng Cavarhall của anh họ Eragon-Roran và tìm
cách cứu thoát người con gái anh yêu, về sự yên bình như khoảng lặng trước cơn
bão của mọi việc. Cá nhân tôi thích tập này nhất bởi vì nó đã cân bằng được yếu
tố tình yêu-chiến tranh-thù hận. Còn riêng tập IV, tôi đọc vì sự gắn bó nhiều
hơn là yêu thích. Có cảm giác tác giả viết càng ngày càng chắc bút thì sự thô
ráp và hào hùng ban đầu của truyện càng lúc càng mất dần. Nó cuối cùng chỉ là sự
ràng buộc ngượng ngập, là chuỗi hơi thở hụt sau cuối của cả một chặng đường
dài. Tập IV, quá nhiều mưu mô giải quyết đơn giản và gượng gạo, những câu trả lời
bỏ ngỏ bứt rứt và không có lối thoát và những số phận đáng lẽ ra phải tươi sáng
sau cuộc chiến thì càng lúc càng u tối hơn, bất hạnh hơn.
“Eragon” vốn
là một câu truyện mang tính anh hùng ca, hơi hướm sử thi và vì thế yếu tố “tình
yêu” chỉ là một phần rất nhỏ. Ở đây tôi đề cập đến tình yêu nam-nữ, giữa Eragon
với Arya, giữa Roran với Katrina và Murtagh với Nasuada. Tôi thấy tiếc khi tác
giả không cho đất để những mối tình này phát triển hơn. Rõ ràng C.Paolini đã đề
cập đến, nói tới nó rất nhiều nhưng cuối cùng vì bản chất của cuốn truyện mà điều
này bị bỏ ngỏ lại. Nếu như có thể viết tiếp, tôi nghĩ “Eragon” sẽ hay hơn và mềm
mại hơn, giống như HP, dù kịch tính và đậm tính anh hùng ca thì vẫn là nơi tình
yêu nảy mầm. Đây là điểm hết sức đáng tiếc.
Như tôi đã
nói tập II “Đại ca” là tập hay nhất. Ở tập này, Eragon nhận ra tình yêu của
mình với Arya nhưng đã bị nàng khước từ. Bút pháp của C.Paolini miêu tả nội tâm
nhân vật hết sức tuyệt vời. Anh đã giúp ta chạm đến được nỗi đau trong tâm hồn
cậu, vẽ lên những khoảnh khắc hết sức đáng nhớ của một mối tình đơn phương
không bao giờ có kết cục. Và đến tập IV, có vẻ như Arya cũng đáp lại chút ít với
Eragon, nhưng dường như tình cảm ấy không phải tình yêu. Nó chỉ cao hơn tình bằng
hữu một bậc. Đó là sự gắn bó giữa những người cùng vào sinh ra tử, là sự cảm động
trước tấm chân tình, và là sự liên kết giữa hai kỵ sĩ rồng của thời đại mới mà
thôi.
Song song với
tuyến Eragon-Arya, đó là tuyến nhân vật Roran-Katrina. Có vẻ Christopher
Paolini thiên vị một phần nào cho hai nhân vật này. Anh đã viết rất rõ và hoàn
chỉnh câu chuyện tình yêu của hai người, đã để hai người này đến được với nhau.
Vì tình yêu, Roran đã từ một chàng nông dân chỉ biết ruộng đồng trở thành một
chiến binh kiêu hùng, Tay búa dũng mãnh vang danh muôn nơi. Vì yêu, anh từ một
người bình thường phải nhúng tay vào máu, phải chiến đấu, phải mưu lược và chém
giết – một việc anh không bao giờ muốn làm. Roran yêu hết mình, sống cũng hết
mình, nên anh đáng được nhận hạnh phúc.
Câu truyện
tình khiến tôi phẫn nộ nhất phải là của Murtagh và Nasuada. Không hề có mở đầu
nên cũng chẳng có kết thúc. Nó hết sức lửng lơ, dù rằng qua những ẩn ý của tác giả, chúng ta đều biết
“A, hai người ấy yêu nhau mà”, ấy thế mà cuối cùng chẳng ai nói được là yêu người
kia, để rồi mãi xa. Murtagh, anh là anh cùng mẹ khác cha với Eragon. Anh tài
năng nhưng lại mang số phận bất hạnh. Anh bị Galbatorix bắt phải thề trung
thành với ông ta. Anh cũng là kỵ sĩ rồng. Và anh là người đau khổ. Nasuada, cô
là thủ lĩnh quân Varden, là cô gái mạnh mẽ và kiên cường. Cô thông minh, lí
trí. Cô bị bắt làm tù binh. Murtagh tra tấn cô theo lệnh quốc vương, nhưng
chính anh đã chăm sóc cô khi lão không có mặt. Anh đã giúp cô vượt qua bóng tối
của bản thân. Và tình cảm của anh với Nasuada đã giúp anh thay đổi được chính
mình, thoát khỏi vòng kiểm soát của Galbatorix để trở về một Murtagh tự do. Hai
nhân vật lúc đầu tưởng chừng như không có chút liên hệ gì với nhau, cuối cùng
đã đến với nhau theo một hướng không mong muốn. Murtagh rõ ràng là yêu cô. Anh
đấu với Eragon chỉ để có 1 cái gật đầu giải thoát cho Nasuada của quốc vương.
Nasuada yêu anh, cô tin tưởng anh vì cô biết sẽ chẳng có ai chân thật hơn
Murtagh trong hoàn cảnh ngục tù như thế này.
Những tưởng
chỉ cần thế, chỉ cần Galbatorix chết đi, hai người này có thể đến được với nhau
nhưng không. Murtagh bỏ đi với con rồng của mình, Nasuada lên ngôi nữ hoàng.
Hai con người ấy như hai đường thằng giao nhau, hợp lại tại một điểm – nhà lao
tối tăm nơi cô bị bắt giữ, và rồi tách ra xa mãi. Anh sợ sẽ đem đến phiền phức
cho cô vì tội lỗi mình gây ra, còn cô vì chính sự tự tôn, sự cẩn trọng quá mức
trong vai trò là một nữ hoàng đã không kéo anh lại. Nhân vật Nasuada đã dùng lí
trí để giải quyết tất cả. Cô chấp nhận không có hạnh phúc, cũng như Murtagh sẽ
đi xa mãi, có lẽ không trở về. Tất cả đều không có hạnh phúc.
Câu truyện
đáng lẽ ra phải là một chương mới đầy tươi sáng cho những con người trẻ tuổi cống
hiến cuộc đời cho lý tưởng, vậy mà cuối cùng đột ngột quá mức u tối. Nó không
đáng, không bao giờ thỏa đáng.
Nasuada trở
thành nữ hoàng. Cô đơn. Không hạnh phúc.
Murtagh giải
thoát khỏi bùa chú, ra đi mãi mãi. Không hạnh phúc.
Eragon trở
thành người huấn luyện kỵ sĩ cho thế hệ mới. Vì gánh nặng vị thế sẽ ảnh hưởng đến
sự cân bằng của vương quốc, quyết định ra đi mãi mãi. Không có hạnh phúc.
Arya trở
thành nữ hoàng mới của thần tiên, là kỵ sĩ rồng sau Eragon. Không hạnh phúc.
Có quá nhiều
trách nhiệm, quá nhiều gánh nặng, quá nhiều tính toán sau cuối đổ dồn lên những
con người ấy. Và vì thế họ không có sự lựa chọn hạnh phúc cá nhân. C.Paolini đã
đẩy tình yêu đất nước, tình yêu chung lên trên tình yêu giữa mỗi cá thể, nhấn mạnh
tính sử thi cho truyện. Nhưng tác giả lại khiến cho câu truyện trở nên u buồn
và ảo não, giống như thắp lên ngọn lên rực rỡ trong căn phòng bằng vàng lạnh lẽo.
Eragon đáng
lẽ không nên suy nghĩ nhiều đến vậy.Cậu cuối cùng vẫn là người anh hùng, vậy
nên cậu phải hi sinh.
Nasuada vốn
không cần gắng sức như vậy. Nhưng nhân dân cần cô. Vì vậy cô cũng phải hi sinh.
Arya vốn có
thể được yêu như bao người con gái bình thường, nhưng vì thời gian với nàng đã
quá già cỗi, vậy nên nàng cũng phải hi sinh.
Murtagh có
thể tự tha thứ cho bản thân, và có lẽ đã được người ta tha thứ. Nhưng anh không
thể làm người khác đau thêm dù chỉ 1 lần. Vì vậy anh cũng phải hi sinh.
Chuỗi ngày
chiến đấu của những con người trẻ tuổi – anh hùng của Alagaesia ấy là chuỗi ngày
hi sinh đến tận cùng. Chuỗi ngày đấu tranh vì một nền hòa bình thật sự ấy đã phải
trả bằng máu của quá nhiều người. Đó là ông Brom – người thầy, người cha của
Eragon, vị anh hùng của Varden và thần tiên, kỵ sĩ rồng xuất sắc. Đó là Oromis –
người thầy của Eragon, kỵ sĩ rồng ẩn dật vì thế hệ kế cận. Đó là nữ hoàng của
thần tiên Islanzadí- người giúp đỡ và bảo vệ những con người chiến đấu vì lẽ phải.
Và còn rất rất nhiều người khác đã ngã xuống từ hàng ngàn, hàng trăm và thởi khắc
chiến đấu gần nhất trong Uru’baen để làm nên chiến thắng cuối cùng. Và vì vậy,
những con người của niềm hi vọng ấy không được phép nghĩ về cho cái tôi của họ.
Họ sống vì cái “ta” chung, vì trách nhiệm mà số mệnh sắp đặt. Có lẽ họ sẽ hạnh
phúc theo một điều rất khác.
Nhược điểm
cuối cùng của truyện, đó chính là cách xử lý xung đột và gỡ nút thắt ở quyển II
tập IV. Cái chết của Galbatorix đến quá dễ dàng. Eragon, Arya, Elva, Saphira đối
mặt với ông ta trong cung điện. Đoạn này gợi tôi nhớ đến Kyo cảnh tất cả kéo
vào cung điện của Hào Quang Vương và chiến đấu với ông ta. Tôi đã nghĩ ít nhất
Chritopher Paolini cũng phải viết một trận thư hùng đúng nghĩ giữa hai thế hệ kỵ
sĩ rồng với nhau. Nhưng không, cách giải quyết tình huống lúc này của tác giả
thật quá khó hiểu và nông, gây cho tôi cảm giác thật sự hụt hẫng và không thỏa
mãn. Galbatorix chết, vì sao ông ta chết? Vì câu thần chú ăn may lúc Eragon
nguy cấp, khi hai người đấu trí với nhau? Hay vì vụ nổ “chẳng biết vì sao xảy
ra” trong lúc hiểm nguy? Cái dở ở đây đó là sự dài dòng không cần thiết ở những
đoạn đối thoại và rồi tình tiết chạy cuối nhanh quá. Tôi có cảm giác C.Paoloni
đang bị đuối, anh không nhạy cảm được như trước nữa và rồi ngay cả đoạn quân
đoàn nổi dậy tấn công thành Uru’baen cũng quá đơn giản. Dường như chẳng hề nguy
hiểm, khó khăn, lâu dài hay gì gì đó như những lần tấn công trước đó. Trận chiến
trên Cánh Đồng Cháy ở Surda hay trong hầm Farthen Dur mới là trận chiến đúng
nghĩa. Còn trận cuối này, quá đáng chán. Đáng lẽ ra Galbatorix phải được đấu với
Eragon trên lưng rồng, phải là một trận thư hùng, phải đau thương hơn nữa, tàn
bạo hơn nữa mới có thể trọn vẹn cái chất “anh hùng ca”. Nhưng thật đáng thất vọng.
Quá nhanh, quá giản đơn cho một câu truyện vĩ đại về tầm vóc và đẫm máu của
hàng ngàn chiến binh. Bởi vì tác giả quá chú ý về phần chính trị nên đã quên mất
cái chất ban đầu của truyện. Quả thực quá thất vọng.
Nhưng tôi vốn
dĩ đọc nó bằng sự gắn bó nhiều hơn là yêu thích. Vậy nên dẫu có dở thì xét về đại
cục, “Eragon” vẫn là một bản anh hùng ca đậm chất sử thi thật sự.
Ngoài lề một
chút, kì thực, nhân vật Murtagh là nhân vật tôi thích nhất trong truyện. Có lẽ
vì góc tối trong anh quá mức thu hút, và dường như sự dịu dàng của anh quá mức
mềm mại. Nó đủ để tôi yêu anh, dù rằng anh bị gánh quá nhiều tội danh trên người.
Và xét một
cách công bằng, người đáng được gọi là anh hùng nhất truyện phải là Roran mới
đúng. Vì anh chỉ là một người bình thường, chỉ vì Eragon mà bị lôi vào cuộc chiến.
Anh chiến đấu với vũ khí là cây búa, anh không có pháp thuật. Thứ duy nhất anh
có đó là sự liều lĩnh, lòng dũng cảm và một tinh thần thép đáng khâm phục. Cá
nhân tôi thấy Roran xứng đáng là anh hùng hơn bất kì ai.
...
“Eragon” là
một cuốn truyện dài tập. Nó được xây dựng nên từ chất liệu sử thi, từ các câu
truyện cổ và mang hơi hướm thần thoại Tây Âu nhiều hơn. Câu truyện về lẽ phải,
về sức mạnh và đấu tranh, kéo dài suốt 7 năm với 8 quyển và 4 tập truyện ít nhiều
đã có đóng góp to lớn vào kho tàng văn học nhân loại. Đọc Eragon để thả mình tưởng
tượng, để thích thú và hồi hộp, để cùng đồng hành với nhân vật, đó là một ý kiến
không tồi.
Cuối cùng
cũng đã chia tay được với nó. Bảy năm rồi đấy, năm lớp 7 đọc tập I, lớp 9 đọc tập
II, lớp 12 đọc tập III, và năm thứ III đại học mới đọc hết được tập cuối. Hi vọng
trong tương lai, Chritopher Paolini sẽ viết được nhiều tác phẩm hay hơn thế, để
chí ít tôi có thể phá vỡ kỉ lục 7 năm cho 1 bộ truyện chữ của tôi:))
ERAGON – TÁC
PHẨM ĐÁNG ĐỌC VÀ MUST HAVE.
Cậu viết hay quá, cậu là nam hay nữ vậy :D.
Trả lờiXóaHay :D
Trả lờiXóaSeries này chưa hết đâu nhé các bạn .
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
XóaMấy bạn ơi, phần tiếp theo bộ truyện Eragon đã được tác giả viết và sẽ xuất bản ngày 31/12/2018. Trời ơi tin được không :((((( . Không biết bao lâu nữa sẽ có bản tiếng việt, đành phải chờ dịch giả <3 .
Trả lờiXóaLink thông tin chính thức: https://www.getunderlined.com/books/606513/the-fork-the-witch-and-the-worm-by-christopher-paolini
Các bạn theo dõi đi ạ, mình vui quá !!!!!!!!!!!!!!!!!1