Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

[Tản văn] Góc nhà có ô cửa sổ


[Tản văn] Góc nhà có ô cửa sổ.

Author: Tử Đằng aka Dương Tử.
Category: Tản văn, tùy bút.
Rating: K.
Warning: None.

A.N: Tản văn này tập hợp những suy nghĩ bất chợt nảy sinh trong đầu tôi, những câu truyện đời thật của tôi, có thể là entry, là những bài thơ vẩn vơ cần người chia sẻ. Hi vọng sẽ không làm mọi người thất vọng*bắn tim*



1.      Con mèo nằm trên mái bếp.


Trước kia nhà tôi nuôi một con mèo. Lông xám, thân dài, mỗi lần đi đung đưa cả người rất uyển chuyển và tiếng kêu “meo meo” của nó nghe thanh thanh đến lạ. Con mèo được tôi đặt cái tên là “Mèo”. Mỗi lần cho nó ăn, tôi toàn gọi “Mèo ơi mèo”, chẳng biết nó có hiểu hay không nhưng đều ngẩng đầu dậy từ tấm ván đặt trên nóc chuồng, nhảy xuống đất nhẹ nhàng và nhanh nhẹn chạy đến bên tôi. Đôi lúc nghĩ lại sao lại đặt tên cho nó là “Mèo”, nhưng đó là tên gọi quen thuộc nhất, nhanh nhất và đơn giản nhất cho nó. Vì nó đâu thể hiểu ta nói gì, gọi gì. Nó vốn là “mèo”, chỉ đơn giản vậy thôi.



Con mèo nhà tôi càng lớn thì càng dài người ra, như mẹ tôi bảo nó “béo mưỡm” và càng lúc càng duyên dáng. Đã thành một cô mèo đẹp rồi đấy. Thỉnh thoảng khi cho nó ăn, tôi lại tranh thủ vuốt ve bộ lông mềm mượt của nó, rồi gãi gãi cái đầu tròn. Chiếc đuôi dài dựng lên, đung đưa rồi nó đưa cái lưỡi ram ráp của mình liếm ngón tay tôi. Cù cù cổ nó mấy cái, ngón tay trượt qua lớp lông êm êm thấy nhột nhạt. Đúng là con mèo nhà tôi thành “thiếu nữ” đúng nghĩa rồi, càng lúc càng duyên dáng, lông càng ngày càng mượt và tiếng kêu mỗi lúc một da diết.


Mẹ tôi sợ mèo có chửa, rồi đẻ ra đàn mèo con thì khi ấy ai nuôi. Vậy nên mẹ mua sợi dây xích, xích con mèo lại vào trong nhà, không cho nó ở ngoài chuồng như trước nữa. Từ hôm đấy về sau, con mèo lúc nào cũng chỉ quẩn quanh chuồng mới rộng hai mét vuông, nơi có cái cửa sổ và một chậu xỉ, cùng với vài món đồ chơi trẻ con rẻ tiền. Mỗi lần mẹ đứng nấu, nó nằm im lìm trong ổ, thỉnh thoảng kêu vài tiếng lười biếng nhẹ tênh.


Hôm sau, lúc bố mẹ tôi dậy sớm tập thể dục đã thấy con mèo đã chết.

Chết cứng, cổ bị treo vào dây xích, lông ủ rũ và toàn thân lạnh một thứ vị cay đắng.


Mẹ tôi nói nó vì đuổi theo con chuột mà vướng dây xích nên bị thắt cổ.

Nhưng tôi không nghĩ như vậy, con mèo của tôi đã đi theo tuổi xuân của nó mất rồi. Có lẽ nó cần phải được giải thoát và hóa kiếp cho phận làm mèo. Ít nhất cũng được tự do.

...

Vài năm sau nhà tôi được cho một con mèo khác. Lần này là một con mèo đực, lông đen bốn chân trắng và có bộ lông ngực trắng muốt. Con mèo này khá nghịch, hay kêu, lắm khi ra vờn con chó nhà tôi đang nằm sưởi nắng, rồi nhảy lên mái bếp lười biếng. Tôi vẫn quen miệng gọi nó là “Mèo”, nhưng chẳng còn thời gian chăm nó như cô mèo khi xưa. Bây giờ nhiệm vụ ấy chuyển sang cho bố tôi, còn tôi chỉ nấu ăn rửa bát rồi đi học cho kịp giờ.

Bố tôi bảo con mèo rất hay. Ông ít khi thích được chó mèo vì nó hay rụng lông, không sạch sẽ. Nhưng tôi biết lần này ông thích nó thật. Cũng giống như sống trên đời, nếu không tiếp xúc, không va chạm thì làm gì có những mối liên hệ được thiết lập, làm gì có những ý niệm “yêu-ghét” người này người nọ, thứ này thứ kia.


Con mèo thi thoảng hay từ lối mái bếp, chui qua ô cửa bé leo lên gác nhà tôi. Nó chạy ra ban công, rồi leo lên đó kêu lười biếng. Dưới ánh nắng, bộ lông của nó càng trở nên đen bóng, cái đuôi đung đưa nhịp nhàng. Rồi nó nằm dài ra hóng nắng.

...

Gần đây anh rể tôi bảo với mẹ cho xin con mèo cho bữa tiệc liên hoan của tổ, rồi anh hứa sẽ đền cho tôi con mèo khác. Một con mèo lông trắng xinh xinh. Mẹ tôi chỉ bảo con mèo kia cũng đã già, nên hóa kiếp cho nó.


Vậy cuộc đời của một con mèo cũng chỉ đến vậy hay sao? Còn tuổi xuân của nó, còn những ngày sưởi nắng êm ả, những bước chân uyển chuyển trên mái bếp, tất cả đều đi mất hay sao?


Tôi chợt nhận ra, động vật cũng như nhau, ai cũng có thể bị “ăn”. Nuôi cho béo rồi “làm thịt”. Đến cả con người cũng vậy, chẳng có gì là thoát khỏi quy luật của tự nhiên.


Tôi nghĩ tôi nên mua cho anh tôi con mèo khác. Còn nó, tôi sẽ cho đi.


Tốt nhất là tôi không nên nuôi một con mèo nào nữa.

Vậy sẽ ổn hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét